Phú Yên: Phát triển vùng nuôi tôm hạ lưu sông Bàn Thạch - Đa dạng hóa đối tượng nuôi theo hướng bền vững
Phú Yên: Phát triển vùng nuôi tôm hạ lưu sông Bàn Thạch - Đa dạng hóa đối tượng nuôi theo hướng bền vững
Ở vùng nuôi tôm hạ lưu sông Bàn Thạch (huyện Đông Hòa - Phú Yên) người nuôi đang tập trung cải tạo ao hồ để chuẩn bị vụ 2011. Để hạn chế rủi ro, ngành Nông nghiệp khuyến cáo nông dân cần phải đa dạng hóa đối tượng nuôi theo hướng bền vững.
Hiện ở vùng nuôi tôm hạ lưu sông Bàn Thạch, nông dân đang tập trung cải tạo ao hồ để thả nuôi vụ mới năm 2011. Ông Nguyễn Văn Xăng ở xã Hòa Tâm, cho biết: “Hai vụ tôm của năm vừa rồi gia đình tôi lời gần 200 triệu đồng. Năm nay gia đình tôi dự kiến thả nuôi 3 hồ khoảng 1 ha và hiện đã thả nuôi hơn 30 vạn con giống cho hồ hơn 4.000 m2 và tôm đã được 15 ngày. Hai hồ còn lại đang bơm nước, chờ xử lý phèn...”. Khó khăn của người nuôi tôm khu vực hạ lưu sông Bàn Thạch là vốn. Ông Trần Ngọc Phúc ở xã Hòa Hiệp Nam, cho biết: “Cả hai vụ tôm trong năm 2010 đều bị lỗ, cộng thêm lũ lụt làm hồ hư hỏng nên gia đình tôi thiếu vốn để đầu tư cho vụ nuôi mới. Không biết ngân hàng có tiếp tục cho vay nữa không...”.
Hiện nhiều hồ nuôi tôm ở hạ lưu sông Bàn Thạch đã cải tạo xong, đang chờ xử lý nước và thời tiết thuận lợi sẽ thả nuôi. Việc lựa chọn giống cũng là vấn đề nhiều người quan tâm, bởi việc quản lý con giống thủy sản lâu nay nhiều bất cập. Một số nông dân không còn tin tưởng vào giấy kiểm dịch tôm giống của các cơ quan chức năng. Vụ 1 năm 2010, giống của các trại tôm có uy tín và được kiểm dịch giá cao hơn tôm giống bán trôi nổi gấp 3 lần, nhưng tôm vẫn bị bệnh, trong khi tôm giống bán trôi nổi thì ít bị bệnh và nuôi đạt sản lượng cao... Hiện không ít hộ tự tìm nguồn giống trôi nổi tại nhiều địa phương thay vì chọn nguồn tôm có xuất xứ rõ ràng. Ông Trần Minh Chánh ở xã Hòa Hiệp Nam, cho rằng: “Khi mua tôm giống chúng tôi không thể phân biệt được giống sạch bệnh hay không, chỉ nhìn giấy kiểm dịch của cơ quan chức năng là tin tưởng, mặc dù giá cao hơn gấp 3 - 4 lần. Nhưng năm rồi tôm giống có thương hiệu đa số đều bị dịch bệnh. Các cơ quan chức năng nên quan tâm hơn trong khâu kiểm dịch con giống thủy sản trước khi xuất bán ra thị trường và trại sản xuất giống phải có thời gian bảo hành những sản phẩm mà mình đã bán ra...”.
Tại hội nghị tổng kết sản xuất nông nghiệp năm 2010, UBND huyện Đông Hòa đánh giá tình hình nuôi tôm ở vùng hạ lưu sông Bàn Thạch chưa ổn định. Quy chế vùng nuôi chưa được chấp hành, dịch bệnh còn xảy ra mang tính lây lan trên diện rộng. Nguyên nhân là do thời tiết bất thường, người nuôi chạy theo lợi nhuận, thả sớm và mật độ dày, không tuân thủ quy trình kỹ thuật, con giống chưa được kiểm dịch triệt để, cơ sở hạ tầng chưa phù hợp với việc nuôi thâm canh... UBND huyện Đông Hòa đã chỉ đạo các địa phương có diện tích nuôi tôm ở vùng hạ lưu sông Bàn Thạch, tập trung tuyên truyền đến người nuôi biết được lịch thời vụ, cải tạo ao hồ nuôi thật kỹ, mật độ thả nuôi phù hợp. Phòng NN - PTNT huyện phối hợp với các cơ quan chuyên môn tỉnh thực hiện mô hình tổ quản lý dựa vào cộng đồng theo hướng đa dạng, đa loài nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường; tăng cường công tác quản lý, chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất, bảo vệ môi trường nhằm giảm thiểu dịch bệnh.
Sở NN - PTNT cũng đã có văn bản chỉ đạo tiếp tục quản lý, phát triển nuôi trồng thủy sản theo vùng quy hoạch được duyệt. Rà soát quy hoạch nuôi trồng thủy sản nước lợ, xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển nuôi trồng thủy sản biển đến năm 2020. Tăng cường công tác khuyến ngư và chuyển giao công nghệ sản xuất, nhân rộng các mô hình nuôi hiệu quả trên cả 3 vùng nước (mặn, lợ, ngọt). Tiếp tục chuyển dịch cơ cấu nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững, đa dạng hóa đối tượng nuôi, hình thức nuôi. Đầu tư các công trình kết cầu hạ tầng cho nuôi trồng thủy sản và giống thủy sản, tập trung đầu tư các công trình dự án còn dang dở để hoàn thiện đưa vào sản xuất. Tổ chức tốt việc kiểm dịch, quản lý chất lượng giống, thức ăn, thuốc phòng bệnh thủy sản nuôi, thực hiện tốt công tác quan trắc cảnh báo môi trường, giám sát sự biến động của các hệ sinh thái và chất lượng môi trường nuôi trồng thủy sản. Tổ chức sản xuất sản phẩm sạch, giống sạch, xây dựng vùng nuôi an toàn, triển khai thực hiện quy phạm thực hành nuôi trồng thủy sản tốt (GAP) và thực hiện quy định truy xuất nguồn gốc sản phẩm nhằm đảm bảo sản phẩm cạnh tranh và hội nhập.
Tin khác
Nuôi biển công nghệ cao tại vùng biển hở Khánh HòaLần đầu tiên Khánh Hòa thí điểm mô hình nuôi lồng HDPE tại khu vực biển hở
Bí thư Khánh Hòa: Một bước nhỏ để vươn ra biển lớn nuôi trồng thủy sản
Hạn chế ô nhiễm môi trường trong sản xuất giống thủy sản
Chương trình 'SÁNG KIẾN VÀ GIẢI PHÁP VTV2' với sáng kiến 'LỒNG NUÔI CÁ BẰNG NHỰA HDPE' của Thạc sỹ Hoàng Văn Hợi
Nghề nuôi cá lồng sông Mã
Trắng mắt vì tôm chân trắng
Siết chặt nuôi và xuất khẩu lồng nuôi cá