Nghề nuôi cá lồng sông Mã
Nghề nuôi cá lồng vốn là nghề truyền thống của hàng trăm hộ dân chài huyện Cẩm Thủy (Thanh Hóa). Đặc biệt, vài năm trở lại đây ngư dân các xóm chài còn tự "sáng chế" một số giống cá mới trong tự nhiên, từ kinh nghiệm sông nước, ngư dân "thuần chủng" các loài cá đặc sản có giá trị kinh tế cao, tiêu biểu nhất là cá ké với giá bán ra thị trường 200.000 - 300.000 đồng/kg, cá lăng 350.000- 400.000 đồng/kg.
Khôi phục nghề truyền thống
Trước đây, không có nhà trên bờ dân xóm vạn chài đi khắp nơi đánh bắt cá tự nhiên, khai thác cát bán lại cho các chủ thầu xây dựng và làm lồng nuôi cá. Mùa nước lớn không làm được những việc dưới sông thì lên bờ làm thuê kiếm ăn qua ngày.
Được sự quan tâm của các cấp, các ngành, hàng nghìn người dân vạn chài sống dọc sông Mã huyện Cẩm Thủy đã được cấp đất làm nhà, định cư trên bờ, đời sống người dân nơi đây đang dần ổn định. Tuy nhiên, như "cá không thể thiếu nước", không có nghề kiếm kế sinh nhai, khó thích ứng môi trường trên cạn, dân vạn chài tiếp tục sống bám sông với nghề đánh bắt và nuôi cá lồng truyền thống.
Ông Trần Văn Luân, một lão ngư xóm chài Cửa Hà chia sẻ: Giống cá người dân nuôi lồng chủ yếu cá trắm cỏ, "Nhà nào cũng có vài lồng cá, ngày trước nuôi còn đảm bảo cá sống 80 - 90%, mấy năm nay nước sông ô nhiễm, thức ăn khan hiếm, cỏ đồng bị nhiễm độc từ thuốc trừ sâu, trừ cỏ… cá phát triển chậm, hai năm mới được thu hoạch một lần, cũng chẳng ăn thua gì vì cá chết nhiều quá!". Đó là chưa nói rủi ro mùa mưa, nước sông lên cao như "trận lụt tháng 10 năm 2010, chúng tôi chỉ kịp "bỏ của chạy lấy người", còn hàng trăm lồng cá nước cuốn sạch, thế là trắng tay".
Để phát triển nghề, mở rộng mô hình nuôi cá lồng cần có vốn đầu tư, từ việc làm lồng, mua giống "làm được mấy lồng cá thế này cũng gần chục triệu rồi, còn tiền mua con giống, lo thức ăn cho cá nữa tất cả đều cần nhiều vốn lắm!" - ông Nguyễn Văn Thành ở xóm chài Tân Thành tâm sự. "Mặc dù huyện, thị trấn đã có chủ trương, chính sách khôi phục phát triển nghề nuôi cá lồng nhưng chưa có kế hoạch cụ thể về hỗ trợ, bà con vẫn đang làm "tự phát" vì thế hiệu quả chưa được cao" - ông Hà Quang Vệ, Tổ trưởng tổ dân phố 1, thị trấn Cẩm Thủy cho hay.
Ông Phạm Quốc Bảo - Chánh văn phòng huyện Cẩm Thủy cho biết: Nuôi cá lồng vốn là nghề truyền thống của dân vạn chài Cẩm Thủy. Huyện đang có chủ trương khôi phục nghề nuôi cá lồng, đặc biệt là các giống cá đặc sản từ tự nhiên như cá ké, cá lăng… Huyện sẽ hết sức tạo điều kiện đầu tư cho người dân vay vốn mở rộng mô hình, phát triển nghề nuôi cá lồng trong thời gian tới.
"Thuần chủng" con giống mới
Khó khăn vì môi trường không mấy thuận lợi, hạn chế vốn đầu tư nhưng ngư dân quyết "sống chết với nghề". Nhờ mạnh dạn đầu tư, quyết tâm khôi phục, phát triển nghề nuôi cá lồng, nhiều gia đình đã có "của ăn của để".
Những năm gần đây, ngoài việc khắc phục môi trường nuôi những con cá truyền thống, dân chài tìm kiếm và nuôi một số loài cá quý, giá trị kinh tế cao như cá ké, cá lăng… Và nghề nuôi cá lồng sông Mã đã và đang mang lại nguồn thu nhập chính cho dân vạn chài.
Tuy nhiên, hiện tại các giống cá đặc sản này chưa được cơ quan nông, thủy sản nào đứng ra nghiên cứu và nhân giống, người dân phải tự lặn, mò đáy sông để bắt con giống. Cả hai giống cá này cư ngụ ở các gầm đá, bám sát đáy sông, chỉ có dân chài chuyên nghiệp mới đánh bắt được.
Các lão ngư có nhiều kinh nghiệm sông nước lâu năm cho hay, ở Thanh Hóa giống cá này chỉ sống tại thượng nguồn sông Mã, sông Chu, còn trên các sông khác của cả nước, cá ké, cá lăng đều rất hiếm gặp. "Nhiều khi đi cả tháng trời, lên tận thượng nguồn sông Chu, phía trên đập Bái Thượng, khó lắm mới bắt được vài con giống chị ạ!"- ông Trần Quang Vinh, một trong những người đầu tiên nuôi cá ké ở Tân Phong cho biết.
Muốn có con giống, mỗi năm đến mùa cá sinh sản, dân chài đều phải lặn xuống đáy sông, bắt cá từ sông đưa vào lồng. Họ tự nhân giống bằng việc dùng chài, lưới, câu... để đánh bắt cá giống. Hầu hết các gia đình có thể bắt được con giống nhưng đặc tính hai loại giống cá này là sống môi trường rộng, cá ké mỗi lồng còn nuôi khoảng chục con, cá lăng mỗi lồng chỉ nuôi được 1 con. Thêm vào đó, cá ké, cá lăng sinh sản theo mùa thường từ tháng 3 đến 9 hằng năm, khi mùa nước hoa mơ về mới bắt được, mùa nước trong đố mà nhìn thấy con cá nào xuất hiện.
Ông Vinh cho biết: "Cá ké chúng tôi đang nuôi hoàn toàn là giống tự nhiên. Lúc đầu chỉ vài người đánh cá ở sông rồi thả lồng nuôi thử thôi. Không ngờ cá có khả năng thích nghi, phát triển tốt, bà con theo nhau lặn ngụp đáy sông bắt giống về nuôi". Từ vài người, ở Tân Phong cũng có vài lồng cá ké, một số nhà nuôi cá lăng, ngư dân xóm Tân Thành, Cửa Hà cũng nuôi thử giống cá đặc sản này.
Đây là những giống cá chỉ ăn đồng loại, sống môi trường rộng nên chi phí đầu tư cho mỗi lồng cá không nhỏ, đấy là chưa nói phải có một khoản tiền mua thức ăn cho cá. Đó là nguyên nhân, đến nay chưa có một mô hình nuôi trang trại nào, cá ké chỉ phát triển theo mô hình gia đình. Do vậy để nghề nuôi cá lồng sông Mã phát triển bền vững, mở rộng mô hình nuôi cá đặc sản rất cần sự quan tâm của các cấp, các ngành tạo điều kiện về vốn, kỹ thuật nuôi, con giống…
Được biết, kế hoạch tới đây các chủ lồng cá sẽ mở rộng quy mô phát triển nghề nuôi cá ké lồng và sẽ là nguồn thu chính của bà con ngư dân xóm vạn.
Theo vietlinh.com.vn
Tin khác
Nuôi biển công nghệ cao tại vùng biển hở Khánh HòaLần đầu tiên Khánh Hòa thí điểm mô hình nuôi lồng HDPE tại khu vực biển hở
Bí thư Khánh Hòa: Một bước nhỏ để vươn ra biển lớn nuôi trồng thủy sản
Phú Yên: Phát triển vùng nuôi tôm hạ lưu sông Bàn Thạch - Đa dạng hóa đối tượng nuôi theo hướng bền vững
Hạn chế ô nhiễm môi trường trong sản xuất giống thủy sản
Chương trình 'SÁNG KIẾN VÀ GIẢI PHÁP VTV2' với sáng kiến 'LỒNG NUÔI CÁ BẰNG NHỰA HDPE' của Thạc sỹ Hoàng Văn Hợi
Trắng mắt vì tôm chân trắng
Siết chặt nuôi và xuất khẩu lồng nuôi cá